BIẾN CHỨNG "BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG" VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Ngày đăng: 03/04/2024 Admin

Biến chứng "bàn chân đái tháo đường" và những điều cần biết

Phải cắt cụt chân là một khuyết tật đáng sợ và tàn nhẫn đối với tinh thần vốn đã sa sút của bệnh nhân đái tháo đường.
Ước tính đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm làm tăng tỉ lệ tử vong và tàn phế gấp 4 lần.

                                    

Bệnh tiểu đường có thể gây ra hai vấn đề ảnh hưởng đến bàn chân như sau:

  • Bệnh thần kinh đái tháo đường: Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng dây thần kinh ở chân làm mất cảm giác, các cơ bàn chân không hoạt động đúng tạo quá nhiều áp lực lên một điểm ở bàn chân.
  • Bệnh mạch máu ngoại biên: Bệnh cũng gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu được nuôi dưỡng kém, sẽ mất nhiều thời gian hơn để vết đau hoặc vết cắt lành lại, nguy cơ bị loét hoặc hoại tử.

Một số biểu hiện điển hình nhất ở những bệnh nhân đái tháo đường khi bị biến chứng bàn chân đó là:

  • Cảm thấy tê, ngứa ran, phồng rộp hoặc mất cảm giác ở bàn chân.
  • Bàn chân bị xuất hiện các vệt đỏ, thay đổi sắc tố da hoặc nhiệt độ, có hoặc không chảy dịch tiết, đau nhói.
  • Khi nhiễm trùng lan rộng, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu như sốt, ớn lạnh, sốc, tay chân tấy đỏ, khó kiểm soát đường trong máu.

Các yếu tố thuận lợi khác có thể gây tổn thương trên bàn chân đái tháo đường như:

  • Không chăm sóc vệ sinh bàn chân.
  • Thói quen đi chân trần dễ giẫm đạp dị vật.
  • Cắt móng chân, cắt da không đúng cách gây tổn thương ngón chân tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng.
  • Mang giày dép chật, cứng dễ cọ sát, gây tổn thương chân.
  • Các can thiệp không đúng cách trên bàn chân như: bôi dầu nóng, ngâm nước nóng, sử dụng các thiết bị tạo nhiệt làm giảm đau.

Các yếu tố cũng ảnh hưởng trên vết thương, tình trạng vết loét, nhiễm trùng bệnh nhân đái tháo đường như:

  • Thói quen hút thuốc lá.
  • Tình trạng kiểm soát đường huyết kém.
  • Thừa cân béo phì.
  • Tình trạng suy giảm sức đề kháng, miễn dịch.

Bản thân bàn chân đái tháo đường đã là một dạng biến chứng của căn bệnh này. Tuy nhiên khi người bệnh bị bàn chân đái tháo đường còn gây nên hàng loạt các biến chứng nghiêm trọng khác như sau:

  • Loét chân gây hoại tử, áp xe, nhiễm trùng da và xương.
  • Biến dạng chân do xương và ngón bàn chân bị dịch chuyển, thậm chí là bị gãy.
  • Chân bị cắt cụt.

Cách tốt nhất để bảo vệ đôi chân là kiểm soát lượng đường trong máu mỗi ngày, bước tiếp theo là chăm sóc giữ cho da chân của bạn khỏe mạnh.

  • Kiểm tra những thay đổi trên bàn chân, móng chân mỗi ngày.
  • Sử dụng nước ấm và xà phòng rửa sạch, lau khô chân tránh nhiễm trùng.
  • Hỏi bác sĩ của bạn cách loại bỏ các vết chai an toàn, cắt móng chân mỗi tuần nhưng lưu ý không gây tổn thương.
  • Luôn mang giày và tất hoặc dép vừa vặn để bảo vệ chân khi đi bộ.
  • Bảo vệ đôi chân của bạn khỏi nóng và lạnh, hãy sử dụng kem chống nắng trên vùng da hở và khi thời tiết lạnh, hãy đi tất ấm.
  • Giữ cho máu trong bàn chân lưu thông tốt.
0798531853